Tác giả và tác phẩm ( 03 ) Kim Liên thị Nguyễn Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020 No Comment

Xuất xứ nhạc phẩm : " Đồi thông hai mộ " 













Nếu như những bài hát trong “Truyện ca” được khơi nguồn cảm hứng từ những điển tích, cổ tích, tiểu thuyết… thì ca khúc Đồi thông hai mộ được cảm tác từ một chuyện tình ngang trái có thật.

Đồi thông hai mộ là một điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về phía Đông, thắng cảnh đồi thông hai mộ nằm trên đồi cao giữa rừng thông bạt ngàn, không gian hoang vắng và tĩnh mịch.

Có một bảng tóm tắt câu chuyện tình Đồi thông hai mộ được gắn trên một cây thông, nội dung tóm tắt giống như những ghi chép trong cuốn sách “Đà Lạt, danh thắng và huyền thoại” của tác giả Trần Huy Hùng Cường.


Theo đó, vào năm 1956, cậu sinh viên Vũ Minh Tâm (quê Vĩnh Long) học tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt). Anh đem lòng yêu thương một thiếu nữ người địa phương, tên là Lê Thị Thảo, giáo viên dạy Văn trường Bùi Thị Xuân. Tâm và Thảo đã ước hẹn nên duyên vợ chồng, chờ ngày anh ra trường sẽ làm lễ cưới.

Thế nhưng vì hoàn cảnh của Thảo khá khó khăn, cô vốn là trẻ mồ côi được các Sơ nhà thờ nuôi dạy từ nhỏ, còn Tâm lại là con trai độc nhất của một gia đình điền chủ giàu có ở Vĩnh Long. Chính vì sự chênh lệch về giai cấp, nên khi gia đình Tâm biết được chuyện của hai người liền ra sức ngăn cấm.

Gia đình Tâm bắt anh phải về quê cưới một người con gái giàu sang mà họ đã chọn sẵn. Vì muốn tròn chữ hiếu, Tâm đành phải cưới một người mình không hề yêu thương. Khi biết tin anh Tâm về quê cưới vợ, Thảo quá đau khổ và tuyệt vọng. Một buổi chiều tháng 3/1956, cô đã gieo mình xuống hồ Than Thở. Trước khi tự tử Thảo đã để lại một bức thư xin được chôn ở đồi thông bên cạnh hồ Than Thở – nơi ngày xưa hai người từng hẹn hò.

Khi Tâm quay trở lại Đà Lạt thì hay tin người mình yêu đã chết. Chàng đã rất đau khổ và hối hận. Khi mãn khóa, Tâm được điều về một đơn vị tác chiến và chỉ vài tháng sau đó, trong một trận giao tranh Tâm bị thương rất nặng không thể cứu chữa được. Trước khi mất anh nhờ bạn bè đưa thi thể về Đà Lạt chôn cạnh mộ của Thảo.

Tấm bia mộ của Tâm viết những dòng thơ trích trong cuốn nhật ký của anh:

“Nước biếc non xanh dù biến đổi
Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm
Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt
Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương
Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương
Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành…”.


Sau năm 1975, gia đình Tâm đã bốc mộ, đem di cốt của anh về Vĩnh Long chôn cất, Tuy nhiên, cư dân Đà Lạt vẫn làm một ngôi mộ gió ghi tên Vũ Minh Tâm nằm cạnh mộ Lê Thị Thảo như cũ.

Năm 1997, UBND thành phố Đà Lạt cấp phép cho Công ty TNHH Thùy Dương cải tạo lại khu vực hồ Than Thở và đồi thông hai mộ để khai thác du lịch. Công ty này đã tiến hành sửa sang lại ngôi mộ cho cô giáo Lê Thị Thảo, đồng thời xây một ngôi mộ gió kế bên đề tên Vũ Minh Tâm để hoàn thành di nguyện cuối cùng của hai người.

Người Đà Lạt cho rằng sau khi xảy ra câu chuyện bi thương của Thảo và Tâm thì hồ được đổi tên thành hồ Than Thở. Tuy nhiên, nhiều tư liệu cho biết, trước đây hồ có tên tiếng Pháp là là Lac Des Soupirs (soupirs nghĩa là thở dài). Vào năm 1956 (trùng với năm mất của Thảo) ông Nguyễn Vĩ, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ, đề nghị đổi từ tên Pháp ra tên Việt thành hồ Than Thở.


.Năm 1965, nhạc sĩ Hồng Vân khi đến thăm mộ của Thảo và Tâm, ông đã tức cảnh sinh tình viết nên ca khúc nổi tiếng Đồi thông hai mộ”. Ở cuối bản thảo của ca khúc nhạc sĩ viết: “Em ơi dưới lòng đất lạnh… Chỉ hai đứa mình để dệt lại chuyện xưa”.

Về nhạc sĩ Hồng Vân, có rất ít tư liệu về ông, chỉ biết rằng ông tên thật là Trần Công Quý. Không rõ thân thế cũng như năm sinh và năm mất của ông. Bút danh Hồng Vân là tên thật người vợ của ông. Nhiều bài hát của ông được ký tên Hồng Vân – Trần Quý hoặc Trần Quý.

Ngoài ra ông còn dùng một bút danh khác là Dạ Lan Thanh. Ông viết khá nhiều, cộng chung các bài hát được viết dưới cả 3 bút danh thì ông có khoảng 80 bài. Riêng về Đà Lạt ông có những ca khúc: Chuyện hồ Than Thở, Đồi thông hai mộ, Tiếng vọng đồi thông (tức Đồi thông hai mộ 2), Trăng sáng đồi thông, Vĩnh biệt đồi thông… Nhìn chung, nhạc của Hồng Vân sử dụng cung giai thứ nhiều, ca từ mộc mạc nên thích hợp với tầng lớp bình dân lúc đó.

Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam và sinh sống tại Đà Lạt. Khoảng thập niên 1960, ông vào Sài Gòn lập nghiệp bằng nghề viết nhạc. Ngoài viết nhạc, ông còn mở thêm lớp nhạc Hồng Vân tại Chợ Quán do ông trực tiếp dạy nhạc lý và Trung Chỉnh luyện hát.

Một số ca sĩ nổi tiếng từ lớp nhạc này gồm có Thủy Tiên, Thanh Hương, Tuyết Linh… Ngoài ra, ông còn làm Trưởng ban Nhạc thời trang Đài truyền hình Sài Gòn, ban nhạc Hồng Hà, và điều khiển nghệ thuật của hãng đĩa Continental.

Ông có người vợ cũng viết nhạc là Như Phy – tác giả một số bài như Hai đứa nghèo, Người mang tâm sự, Đường tình…

Sau 1975, không còn ai biết tung tích Hồng Vân và gia đình ở đâu.








Kim Liên B Nguyễn ( sưu tầm )


- theo bài viết của TBKTSG trong Nhạc Xưa Thời Báo.
https://vi.wikipedia.org/wiki

 




Được viết bởi : Kim Liên B Nguyễn

Kim Liên B Nguyễn rất vui khi các bạn đến xem trang blog của mình, chúc các bạn mọi sự như ý nhé.

Theo dõi Liên @ Twitter | Facebook | Google Plus

No Comment

Chào bạn, nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại ý kiến, nhận xét của bạn đều rất quan trọng. Liên rất vui nếu bạn viết có dấu ...