Tác giả và tác phẩm ( 06 ) Kim Liên thị Nguyễn Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2020 No Comment

Xuất xứ nhạc phẩm :  " Ai về sông Tương ".







Trước năm 1975, tất cả quân nhân Viêt Nam Cộng Hòa, đều biết và  thuộc lòng bài nhạc “ Lục Quân Việt Nam “, với nhịp bước quân hành hùng tráng,  vang vọng trong quân trường : ” ...Ta anh hùng đời đời lục quân Việt Nam..”., còn ai sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử thì đều không quên ca từ nhẹ nhàng của  những bài hát : “ Từ Đàm quê hương tôi “ , “ Mừng Đản Sanh “...và trong thập niên 70 khi chiến cuộc đi vào giai đoạn khốc liệt , người ta lại được nghe bài tình ca trong nhịp điệu dồn dập như người lính đang nhắn gởi lời yêu thương đến người tình trong vội vã, : “ Tình mình nghèo người đời khen chê ...Ta thương nhau giữ trọn tình quê..” trong nhạc phẩm : “ Hoa cài mái tóc “ cũng trong giai đoạn này,  ca khúc : “ Tình em biển rộng sông dài “ với khát vọng hòa bình : “  Hòa bình ơi...Tình yêu em như sông biển rộng...Tình yêu em như lúa ngoài đồng...”,  mộc mạc thân thương như mùi lúa chín được ngân vang.... Nhưng đặc biệt những ai thích dòng nhạc tiền chiến thì không thể nảo không biết bài hát “ Ai về sông Tương “ với ca từ êm dịu, nhẹ nhàng như như dòng sông trôi trong những chiều thu vàng lặng gió...với những chiếc lá chuyên chở nhung nhớ bập bềnh trên sóng nhẹ êm.......
Để biết người nhạc sĩ nào đa tài như vậy , ta hãy  nghe nhạc sỹ Miên Đức Thắng nói về người thầy của mình : “ Trong ký ức tôi, thầy Văn Giảng là một người tài hoa, mẫu mực và rất nghị lực,. Gặp biết bao khó khăn trong đời, mỗi lần nghĩ đến thầy, tôi tự nhủ phải noi gương và theo đuổi việc học tới nơi tới chốn ...” 
Đúng vậy, nhạc sỹ Văn Giảng là người có nghị lực và ý chí hơn người, như Nguyễn công Trứ , ông đổ tú tài năm 40 tuổi, sau đó trúng tuyển cuộc thi tuyển sinh viên nghiên cứu về âm nhạc, được xuất dương du học tại Hoa Kỳ ở Hawaii và Bloomington. Sau khi tốt nghiệp ông được học bổng nghiên cứu cao học. Sau đó về nước được để cử làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Sau tết Mậu Thân, ông vào Sài Gòn dạy  tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, soạn hòa âm cho hảng dĩa nhạc Asia – Sóng Nhạc, 
Ông tên thật là : Ngô Văn Giảng, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 tại Huế, : sau năm 1975 ông định cư tại Australia,  qua đời tại Melbourne vào ngày 9 tháng 5 năm 2013 hưởng thọ 89 tuổi, để lại trên giòng Hương giang mơ màng một giai điệu  lững lờ trôi ....: “ Hương tình mộng say dịu êm.....”



Trên các bản tình ca, cũng  như bài “ Ai về sông Tương “(được viết năm 1949, cung La trưởng ), nhạc sĩ Văn Giảng lấy bút hiệu là Thông Đạt, ghép từ pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt pháp danh người vợ.
Nhưng tại sao không phải là sông Hương mà lại là sông Tương ? ....Để giải đáp thắc mắc ta phải đi ngược về thập niên năm mươi của thế kỷ trước.....
Thành nội Huế, bên giòng Hương giang có một làng tên là Kim Long, nơi đây nổi tiếng có nhiều mỹ nhân, được tuyển vào cung vua,  đời vua Thành Thái còn có câu ca dao : 
 “ Kim Long có gái mỹ miều,
Trẩm thương, trẩm nhớ, trẫm liều , trẫm đi ..”
 Ngay cả vua mà còn si mê như vậy huống gì là chàng thanh niên Ngô văn Giảng mới lớn, anh đã phải lòng một người đẹp tại làng Kim Long này, đôi lứa yêu nhau đậm đà. Tuy nhiên duyên không thành, bởi  gia đình nho phong của cô gái vì môn đăng hộ đối đã không đồng ý và cô gái phải vì chử hiếu đành ôm cầm sang ngang....Nhiều năm sau, một hôm Văn Giảng vào xem phim “ Bé nhà trời “ ( les enfans du paradis) tại rạp Tân Tân bên cầu Trường Tiền, tình cờ nơi hàng ghế trước, ông thấy có người con gái xõa tóc thề, thoang thoảng mùi hương hoa Ngâu, gợi nhớ lại hình ảnh người tình làng Kim Long năm nào, quá xúc động người nhạc sĩ rời khỏi rạp, đạp xe thật nhanh, chạy dọc theo bờ sông Hương , vô cửa Thượng Tứ, vào thành Nội về nhà, những âm  giai , tiết tấu cung bậc hiện ra trong đầu, dòng sông Hương hiện ra như sông Tương ly biệt trong cổ thư Trung Quốc, và cứ thế dòng nhạc trào tuôn như nước vỡ bờ, rồi bài nhạc : “ Ai về sông Tương “ được viết ra trong vòng mười lăm phút....Như ta đã biết, trong điển tích Trung Hoa, có chàng nho sinh nghèo tên Lý Sinh yêu nàng Lương Ý, nhà nàng bên giòng sông Tiêu Tương,  nhưng vì cha cấm đoán, không cho hai người đến với nhau,  nàng gởi gấm tâm sự trong bài thơ : “ Trường Tương Tư “, trong đó có đoạn : 
Ngã tại Tương giang đầu.
Quân tại Tương giang Vỹ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy.
(Em ở đầu sông Tương,
Anh ở cuối sông Tương,
Nhớ nhau mà chẳng gặp.
Cùng uống nước sông Tương.





Giống như chuyện tình trắc trở của chàng trai Ngô Văn Giảng  ngày nào...., Nhạc phẩm : “Ai về sông Tương “ khi được ca sĩ Mạnh Phát hát trên đài phát thanh Pháp Á tại Hà Nội, đã trở thành cơn địa chấn trong làng ca nhạc, nhanh chóng được mọi người đón nhận...
Trước đó nhạc sĩ Văn Giảng thích viết những bài Hùng ca, như “ Thúc quân”(1949), “Lục quân Việt Nam “(1950) “ Đêm Mê Linh”(1951), “ Qua đèo “(1952), “ Nhảy lửa” (1953), nên một người bạn của ông , là giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế,( tên là Tăng Duyệt ) trong lúc vui miệng có ngụ ý cho là nhạc sỹ Văn Giảng chỉ viết được nhạc Hùng ca mà thôi, chứ tình ca không phải là sở trường. Đó là lý do khi viết xong bài “ Ai về sông Tương “ ông ký tên là Thông Đạt, khi bài hát trở nên quá nổi tiếng, ông Tăng Duyệt tìm hỏi ai là Thông Đạt để thương lượng mua bản quyền. Nghe vậy, nhưng nhạc sĩ Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai,  Rồi một hôm, nhạc sĩ Đỗ kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, tình cờ thấy được bản thảo của bài nhạc : “ Ai về sông Tương “ trong xấp nhạc trên bàn, nên bèn nói cho ông Tăng Duyệt biết, giám đốc nhà ta đã vội vàng lái xe đến nhà Văn Giảng ngay....Thế đấy, tài bất lộ tướng.... ( dựa theo lời của nhà văn Trần Kiêm Đoàn và nhạc sĩ Lê Dinh viết về ông.)...





Kim Liên B Nguyễn
Wichita, Kansas

Kim Liên xin được gởi đến các anh chị và các bạn nhạc phẩm : “ Ai về sông Tương “ , của cố nhạc sĩ Thông Đạt, như một nén hương lòng nhớ về ngưởi nhạc sĩ tài ba, khiêm tốn , đã để lại cho đời một khúc “ Trường Tương Tư “ trong làng ca nhạc Việt Nam.....

Tham khảo :
https://nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-cua-ai-ve-song-tuong-thong-dat-

http://cothommagazine.com

Được viết bởi : Kim Liên B Nguyễn

Kim Liên B Nguyễn rất vui khi các bạn đến xem trang blog của mình, chúc các bạn mọi sự như ý nhé.

Theo dõi Liên @ Twitter | Facebook | Google Plus

No Comment

Chào bạn, nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại ý kiến, nhận xét của bạn đều rất quan trọng. Liên rất vui nếu bạn viết có dấu ...