Xuất xứ nhạc phẩm : Lệ Đá .
Phần lớn các bài thơ rất khó phổ thành nhạc, nên thỉnh thoảng thấy những bài thơ nào hợp tâm trạng thì mới được các nhạc sỹ phối âm tạo tạo thành thi khúc mà thôi, còn đa phần họ tự đặt lời ca theo sự cảm thụ của bản thân và sáng tác theo cảm xúc của riêng mình, nhưng lại có một vài trường hợp, bổng dưng người nhạc sĩ trong đầu vang lên những giai điệu, và như một thôi thúc, liền tay viết lên giấy những khung nhạc không lời, trầm bổng du dương trong cảm xúc tuyệt vời, một trong những trường hợp đó đã đến với nhạc sỹ Trần Trịnh, ông là một nghệ sĩ Piano, chuyên chơi đàn cho các phòng trà, vũ trường tại Sài Gòn cả trước và năm 1975, ông giỏi về giai điệu, nhưng có lẽ là không phải là người có thế mạnh về đặt lời, nên sau này đã cùng nhạc sĩ Nhật Ngân hợp thành nhóm Trịnh Lâm Ngân để sáng tác những ca khúc nhạc vàng hay cả về giai điệu lẫn lời ca, như là Qua Cơn Mê, Người Tình Và Quê Hương, Yêu Một Mình…
Cũng vì không giỏi đặt lời, nên nhạc sĩ Trần Trịnh sáng tác rất ít, và vào năm 1968, ca khúc Lệ Đá đã đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác, do một người khác viết lời, đó là Hà Huyền Chi – là nhà thơ, nhà văn và cũng là diễn viên xuất hiện trong nhiều cuốn phim nổi tiếng trước 1975.
Trong khi nhà thơ Hà Huyền Chi, thì không thông thạo về âm nhạc, nên sau khi đồng ý lời yêu cầu của bạn mình, ông cùng mọi người kéo nhau lên đài phát thanh để nghe Trần Trịnh ngồi vào Piano dạo nhạc. Một giai điệu buồn ngất ngây dịu nhẹ rất tha thiết và ngọt ngào đó ngay lập tức gây ấn tượng với Hà Huyền Chi. Nhưng vì nhà thơ không biết nhạc lý, không đọc được ký âm nên họ cùng thảo luận và đã nghĩ ra một cách giải quyết tuyệt vời : đó là nhạc sĩ sẽ ký hiệu dưới các nốt nhạc; dấu 0 cho những từ không có dấu (bình thanh), dấu huyền cho những từ mang dấu huyền, hỏi, nặng, dấu sắc cho những từ mang dấu sắc và huyền.
Và rồi thi sĩ Hà Huyền Chi, nhắm mắt ngồi chăm chú lắng nghe một lần, hai lần và rồi ông chìm vào thế giới huyền ảo của âm thanh, sự rung cảm đến nhẹ nhàng thuần khiết rồi những giai từ lần lượt xuất hiện và cứ thế hòa nhập vào sự trầm bổng của những âm giai, cung bậc và thế là những ca từ của nhạc phẩm Lệ Đá từ đó đã hình thành, thi sĩ Hà huyền Chi lúc ấy như bị thu hút bởi cảm xúc của riêng mình, ông vừa viết vừa thổn thức với những giòng lệ tuôn trào..
Và ca khúc Lệ Đá đã nhanh chóng đi vào lòng người với tiếng hát Nhật Trường, gây tiếng vang như một cơn địa chấn trong làng âm nhạc miền nam vào những năm cuối thập niên sáu mươi, bài nhạc đã đi vào đại chúng phổ biến đến nổi người ta có thể nghe từ trong thính phòng, đến những phòng trà, du dương trong những quán cà phê đèn mờ, từ những con hẻm trong phố nhỏ bình dân đến cả trong những khuê phòng kín cửa cao tường.
Và không những nổi tiếng trong lãnh vực thi ca, nhạc phẩm Lệ Đá còn biết đến qua một tác phẩm điện ảnh về thể loại phim kinh dị đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam trước năm 1975...
Phim kinh dị đầu tiên :
Áp phích quảng cáo phim Lệ Đá vào năm 1971 |
Như ta đã biết Lệ đá là ca khúc hết sức quen thuộc với công chúng yêu nhạc, tuy nhiên ít ai biết bài hát này mang nhiều điều thú vị và... kỳ quặc.
Trước tiên là phần lời (ca từ) của ca khúc. Ở ngoài bìa bản nhạc (rời) có vẽ một cô gái (chỉ có phần đầu), phía sau là bóng một chàng trai đi trong khu rừng thưa lá do họa sĩ Kha Thùy Châu thực hiện. Dưới cái tựa Lệ đá có ghi “Hà Huyền Chi - Trần Trịnh”, ngầm hiểu rằng tác giả là 2 người này. Trần Trịnh là nhạc sĩ, còn Hà Huyền Chi là một nhà thơ nên nhiều người suy ra đây là một bài thơ phổ nhạc và đã có nhiều MC bị nhầm khi giới thiệu: “Nhạc phẩm Lệ đá thơ Hà Huyền Chi, được nhạc sĩ Trần Trịnh phổ nhạc”.
Năm 1971, đạo diễn Võ Doãn Châu đã làm một bộ phim kinh dị dựa theo truyện ngắn " Đại úy Trường Kỳ " của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.
Nội dung phim: Kỳ (La Thoại Tân đóng) và Trang (Phương Trang) yêu nhau. Một hôm Trang đi ngang một công trình xây dựng, nhóm thợ thi công trên cao vô tình làm rơi một cục gạch trúng đầu Trang khiến cô tử nạn. 5 năm sau, Kỳ quen biết và thân thiết với cô bạn gái khác (Thanh Lan) nhưng hình bóng của Trang lúc nào cũng ám ảnh anh. Cùng thời gian đó, có một ông già (diễn viên gạo cội Đoàn Châu Mậu - bố vợ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên) hẹn với người tình trong một khách sạn (là công trình khiến Trang tử nạn ngày xưa). Bà vợ biết được đến đánh ghen. Trong lúc giằng co, bà vợ vô tình dùng súng lục bắn chết ông chồng... Ông này chết nhằm “giờ trùng” lại đúng ngay địa điểm của người con gái chết oan nên hồn của Trang nhập vào xác của ông già. Cái tử thi như “đội mồ sống lại” với cái hồn là của cô gái (qua tiếng nói) còn cái xác là của ông già kia (qua hành động). Cái “tử thi” đi tìm người yêu cũ khắp nơi, cho đến một ngày “cô” gặp lại Kỳ...
Dù phần nhạc chính của phim do nhạc sĩ Hoàng Trọng đảm nhận, nhưng ngay từ đầu phim (và thỉnh thoảng chen vào các phân cảnh) là những đoạn nhạc trích từ Lệ đá. Và để khán giả thêm “phê”, đạo diễn còn mời ca sĩ Khánh Ly hát bản Lệ đá trong một phân cảnh có Kỳ và cô bạn gái (Thanh Lan) ngồi trong một phòng trà...
Trong phim nổi bật nhất về diễn xuất, chính là tài tử Đoàn Châu Mậu. Đây là nam diễn viên đầy chất điện ảnh cũng như đàn ông tính với gương mặt như đá tạc, rất giống…con ma nhập tràng !
Đầu kỳ lân và giọt máu chảy trên khóe mắt trong phim Lệ Đá |
Thay vì lấy tựa đề phim là : " Đại úy Trường Kỳ " như tên của tựa đề cho cốt truyện do nhà văn Nguyễn mạnh Côn viết, như ta đã biết ở trên, nhưng do trong truyện có chi tiết quyết định cốt truyện là máu cô gái Trang nhỏ vào tượng đá con kỳ lân, vết máu chảy vào hốc mắt của tượng đá và lăn xuống như một dòng lệ, nên mới có sự nhập hồn chuyển xác như trong phim, và vết máu đó cũng được xem là Lệ Đá của một chuyện tình dang dở, luyến lưu trong huyền bí...
Như vậy, ca khúc Lệ đá có thêm những điểm độc đáo: trở thành tên chính thức của bộ phim kinh dị đầu tiên của điện ảnh miền Nam, trong phim có 2 diễn viên là ca sĩ nổi tiếng : Thanh Lan và Khánh Ly... Cuốn phim Lệ đá rất ăn khách và đã đoạt giải tại Đại hội điện ảnh lần thứ 3 năm 1971, góp phần làm cho ca khúc Lệ đá trở nên rất thịnh hành vào thời đó. Và đến tận bây giờ (53 năm sau), Lệ đá vẫn là một trong những ca khúc được yêu thích.
Nhạc sĩ Trần Trịnh ( hình trước ) và Thi sĩ Hà Huyền Chi (hình sau ) |
Tóm tắt về nhạc sĩ Trần Trịnh và nhà thơ Hà Huyền Chi :
Nhạc sĩ Trần Trịnh kết hôn lần đầu với ca sĩ Mai Lệ Huyền. Cuộc hôn nhân gia đình này lê dài được 10 năm thì hai người chia tay sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 .
Tháng 10 năm 1995, với sự bảo lãnh của người chị, ông cùng người vợ sau và 2 con đến định cư tại Hoa Kỳ. Đầu năm 1996, ông dời xuống Quận Cam để có nhiều thời cơ cho hoạt động giải trí âm nhạc trong hội đồng người Mỹ gốc Việt. Ông được TT Thúy Nga thực thi chương trình Paris By Night 66 trình làng những tác phẩm nổi tiếng của ông, cùng với NS Nhật Ngân và NS Ngô Thụy Miên .
Về sau, ông chỉ tham gia “ The Stars Band ” là ban nhạc do Bác sĩ Phạm Gia Cổn xây dựng và làm trưởng phòng ban, trình diễn trong những hoạt động và sinh hoạt có tính cách hội đồng .
Nhạc sĩ Trần Trịnh qua đời ngày 10 tháng 10 năm 2012 tại California .
Nhà thơ Hà Huyền Chi có tên thật Đặng Trí Hoàn, sinh ngày 21/12/1935 tại Hà Đông, Hà Nội. Năm 1954 một mình đi vào Nam. Năm 1957 nhập ngũ theo đời binh nghiệp (Võ bị QG Đà Lạt), năm 1975 qua Mỹ và hiện cư ngụ tại Washington State, vùng Tây Bắc Hoa Kỳ.
Xin được gởi đến các anh chị, và các bạn nhạc phẩm " Lệ Đá " của cố nhạc sĩ Trần Trịnh và thi sĩ Hà Huyền Chi, như một hồi ức tốt đẹp về một thời âm nhạc ngày củ ....
Tham khảo :
https://nhacxua.vn/hoan-canh-sang-tac-bai-hat-le-da-tran-trinh-ha-huyen-chi-va-phan-loi-nhac-it-nguoi-biet-den
https://vnexpress.net/tac-gia-ca-khuc-le-da-qua-doi-2245754.html
https://nhacvangbolero.com/cuoc-doi-va-su-nghiep-nhac-si-tran-trinh-tu-ca-khuc-le-da-den-huyen-thoai-trinh-lam-ngan/
No Comment
Chào bạn, nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại ý kiến, nhận xét của bạn đều rất quan trọng. Liên rất vui nếu bạn viết có dấu ...